Chắc mọi người cũng thắc mắc tại sao mình có thể kiếm được những vé máy bay khứ hồi đi Bắc Mỹ chỉ trong tầm giá dưới 500 USD hoặc thậm chí chỉ hơn 350 USD như chuyến mình đang đi. Dĩ nhiên, cũng như hầu hết mọi thứ khác thì thứ rẻ nhất có thể kiếm được chắc chắn sẽ đến từ Trung Quốc. Và cái buồn cười nhất là chuyện quá cảnh ở Trung Quốc thì mình đã không ít lần nghe hoặc đọc được ai đó bảo rằng bị từ chối lên máy bay vì quá cảnh ở Trung Quốc vì không có thị thực vào nước này. Mình cũng tốn cả tuần chỉ để tìm kiếm và đọc về vấn đề này trước khi mua cái vé gần đây nhất.
Theo thông lệ hàng không thì thường việc quá cảnh quốc tế ở một nước là một quyền lợi của hành khách. Thông thường thì việc quá cảnh dưới 24 ở các quốc gia không yêu cầu phải có thị thực của nước quá cảnh. Dĩ nhiên có những ngoại lệ nhưng được thông tin một cách rõ ràng như Mỹ và Canada, yêu cầu phải có thị thực quá cảnh trong trường hợp hành khách đó cần phải có thị thực nếu nhập cảnh vào với mục đích du lịch. Theo tìm hiểu của mình vấn đề chủ yếu nằm ở các sân bay tại đây không thiết kế để hành khách có thể chuyển tiếp chuyến bay. Đồng nghĩa với hành khách phải thực hiện viêc nhập/xuất cảnh và hải quan do đó thị thực là yêu cầu bắt buộc kể cả chỉ quá cảnh trong sân bay vì bạn phải ra khu vực công cộng chứ không phải khu chuyển tiếp.
Còn với trường hợp Trung Quốc thì sao? Mình đã nhiều lần bay nối chuyến ở Trung Quốc và hoàn toàn chưa từng gặp vấn đề gì đến mức bị từ chối bay cả, mặc dù mình cũng chẳng có thị thực Trung Quốc (còn giá trị, chứ hết thì có). Mình từng quá cảnh ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Hạ Môn. Mỗi sân bay là một câu chuyện khác nhau:
Bắc Kinh: Nhân viên đón mình từ cửa xuống máy bay, đưa mình thẻ lên máy bay (boarding pass) mới thay cho thẻ cũ in ở Tân Sơn Nhất, mặc dù cũng chẳng có gì thay đổi về thông tin (ghế). Đưa mình ký một tờ giấy, theo mình nhớ là cho phép hải quan TQ kiểm tra hành lý ký gửi của mình mặc dù mình không nhập cảnh TQ. Sau đó dắt mình qua một cổng kiểm soát an ninh, đóng một đống dấu vào thẻ lên máy bay (không đóng vào hộ chiếu). Và lần ấy là lần đầu tiên mình biết kiểm tra an ninh kiểu TQ là thế nào… nói thật là còn căng hơn cả Mỹ: Họ kiểm tra bằng máy quét toàn thân, máy quét cá nhân, soát người (rờ rờ ấy, có sẵn nam/nữ luôn), cởi giày ra quét chân và điểm chung nhất là an ninh TQ cực kỳ kỹ với pin sạc dự phòng. Họ xem xét công suất, dung lượng, thương hiệu của pin, mình nghe bạn mình nói là từng bị tịch thu chỉ vì pin sạc… không thương hiệu mặc dù chắc chắn cũng từ TQ mà ra chứ đâu 😂. Sau đó thì mọi thứ diễn ra như thường lệ, chỉ thêm cái là thẻ lên máy bay mình mới để ý là tới 3 mảnh (thay vì 2) do thêm 1 lớp an ninh gì đó trước khi lên máy bay.
Quảng Châu: Tại đây thì cũng tương tự Bắc Kinh, nhưng có thêm 1 lớp nhân viên hãng kiểm tra rồi mới tới an ninh. Chẳng hiểu làm phức tạp thêm để làm gì? Đây là đại bản doanh của China Southern nên quầy quá cảnh cũng không thấy hãng nào khác. Sau đó an ninh và pin sạc dự phòng như cũ, họ vẫn luôn miệng nói “powerbank, powerbank” với những ai quên lấy pin ra. À, có lần mình mang drone (của Xiaomi) và cũng KHÔNG gặp vấn đề gì luôn nha.
Thượng Hải: Trong các sân bay TQ thì mình thích Thượng Hải Phố Đông nhất, vì quy trình quá cảnh ở đây cực kỳ đơn giản, nếu bạn đã có thẻ lên tàu bay chặng tiếp theo thì chỉ cần qua một cái cửa tự động, không cần người và sau đó kiểm tra an ninh như bình thường. Dĩ nhiên vẫn là chuyện pin sạc dự phòng thôi, còn mình mang cả chục chai nước hoa xách tay họ cũng chẳng làm khó gì.
Hạ Môn: Đây là sân bay mà mình thấy kỳ cục nhất, khi bước xuống xong mình mới biết sân bay này không có lối đi dành cho hành khách quá cảnh. Đồng nghĩa là TẤT CẢ hành khách đều phải nhập cảnh vào TQ mặc dù chẳng có ý định rời khỏi sân bay. Đây là cái mình thật sự đã rất lo khi mình nghe bạn bè cảnh báo rất nhiều, có khả năng bị từ chối ngay từ lúc làm thủ tục ở Việt Nam chứ không nói gì ở đây. Thế là mình rảnh ngồi tìm kiếm đủ trò, nhưng thật sự thông tin không nhiều, không dẫn chứng rõ ràng về các trường hợp chưa kể nó phụ thuộc rất nhiều vào tấm hộ chiếu mà bạn đang cầm nữa. Cuối cùng mình cũng tìm được một trang, người viết bài phân tích rõ dựa trên quy định hàng không và kèm theo lý giải cũng như vài tổng hợp các trường hợp đã xảy ra tại đây.
Nhưng có thể tóm lại là thế này (quy định có thể thay đổi theo thời gian, nhưng thường theo hướng mở hơn):
Nước đi và nước đến phải khác nhau, không phải Trung Quốc (Hong Kong, Macau, Đài Loan được xem là khác với Trung Quốc do quản lý xuất nhập cảnh riêng biệt, họ gọi là “Regional flight” tương đương chuyến bay quốc tế, chắc chỉ là lý do chính trị)
Các sân bay lớn như Bắc Kinh/Air China (PEK), Quảng Châu/China Southern (CAN) hay Thượng Hải Phố Đông/China Eastern (PVG) có cơ sở vật chất cho việc quá cảnh thì dưới 24 tiếng không thành vấn đề gì nếu bạn không phải đổi nhà ga (thường bạn cũng chỉ bay cùng một hãng, nên họ sẽ lo)
Các sân bay không có khu vực quá cảnh như Hạ Môn (XMN) thì bạn được nhập cảnh không quá 24 tiếng
Sân bay Urumqi (URC) tại Tây Tạng chỉ được quá cảnh không quá 2 tiếng trong sân bay (không có hãng nào bay từ VN)
Các sân bay Phúc Châu (FOC) hay Thâm Quyến (SZX) KHÔNG được quá cảnh 24 tiếng mà không có thị thực. Nếu cầm hộ chiếu (Mỹ, Cananda, Hàn Quốc… không có Việt Nam) khác thì có thể được quá cảnh 72 hay 144 tiếng
Mình nghĩ quy định của Trung Quốc cũng xuất phát từ việc hạ tầng trước đây và tư duy quản lý. Nhưng họ vẫn đang nới lỏng ra cho các hãng hàng không phát triển. Nên mới có quy định quá cảnh 24 tiếng không cần thị thực. Mặt lợi của nó là bạn có thể làm một chuyến du lịch siêu tốc tại thành phố bạn quá cảnh mà không cần phải xếp hàng rồng rắn xin thị thực TQ hay tốn một mớ tiền cho “cò” và hơn nữa có thể quá cảnh nhiều lần ở TQ trên các chuyến bay nội địa. Vừa rồi hãng hàng không còn sắp xếp cho mình một đêm khách sạn miễn phí (mình tìm thì giá khoảng 65 USD/đêm). Và giá vé máy bay thì lại cực rẻ nữa.
Còn nói về các trường hợp bị từ chối thì mình nghĩ là có thể rơi vào vài trường hợp:
Quá cảnh quá 24 tiếng (họ tính từng phút theo lịch trình trên vé, không phải thời gian thực tế nha)
Đến sân bay không áp dụng quá cảnh 24 tiếng
Cầm hộ chiếu bị cấm (không có Việt Nam, chủ yếu các nước đang xung đột chiến tranh các kiểu)
Và cuối cùng là nhân viên hàng không khi làm thủ tục đã không “hiểu đúng” quy định. Đây là vấn đề đáng sợ nhất, vì nếu mình không có sẵn bản quy định, cũng như sẵn sàng tranh luận với họ thì họ sẽ không dám để làm thủ tục bạn, hoặc nói xong cũng hết giờ. Nên lời khuyên là nên ra sân bay sớm, có gì còn giải quyết được. Mình cũng vài lần gặp tình huống nhân viên không biết xử lý thế nào vì họ chưa gặp trường hợp “lạ” bao giờ. Nhưng sau khi mình giải thích, họ đi hỏi quản lý thì cũng giải quyết xong, chỉ là mất thời gian thôi. Vì một mặt họ làm sai, mình bị trả về thì hãng bị phạt, nhưng họ không cho mình đi nhưng sai quy định, thì hãng cũng sẽ phạt họ nếu mình khiếu nại. Nếu mình đủ tự tin thì mình tin rằng họ cũng sẽ giải quyết cho mình.
Tái bút: Lần tới chắc mình sẽ tận dụng, mua 2 vé rời của 2 hãng khác nhau để du lịch TQ 24 tiếng tiếp, chứ mỗi lần xin thị thực TQ không những cực khổ từ trong ra ngoài, mà còn phải chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt :).