Sẵn tiện đi Campuchia về viết bài này để mọi người có thông tin hơn về cách sử dụng điện thoại và Internet khi ở nước ngoài. Mình thuộc tuýp người hơi bị nghiện Internet cũng như rất sợ bị mất liên lạc khi cần thiết do đó luôn cẩn thận tìm hiểu kỹ vấn đề này trước khi đi. Có người bảo mình chỉ cần xuống sân bay lấy một cái bản đồ cứ thế mà đi thôi ;) nhưng có lẽ mình vẫn cần Internet để tìm kiếm, tra cứu bản đồ, liên lạc khi cần thiết… Do đó nếu bạn nào thích tự khám phá thì có thể bỏ qua bài này ha :P
Trước hết là điện thoại di dộng: Thắc mắc lớn nhất của mình khi được mình hỏi tại sao họ không bật điện thoại Roaming khi ở nước ngoài thì đều nhận được câu trả lời là: “Roaming phí rất đắt!”. Câu trả lời của mình là Đúng và Sai. Đúng ở chỗ chi phí phải trả khi sử dụng các dịch vụ trên Roaming đắt hơn bình thường đến chục lần nhưng điều đó chỉ đúng khi phát sinh cuộc gọi đi, nhận cuộc gọi, gởi tin nhắn hoặc bật dịch vụ dữ liệu Internet (2.5G/3G/LTE…). Bạn hoàn toàn không mất bất cứ chi phí nào để duy trì kết nối giữa điện thoại và nhà mạng khi ở nước ngoài. Nghĩa là bạn có thể nhận tin nhắn miễn phí hay khi cần thiết hay khẩn cấp bạn có thể dùng để liên lạc với cơ quan ngoại giao nước sở tại hoặc liên lạc gia đình, bạn bè khi cần thiết. Lời khuyên của mình là nên kiểm tra với nhà mạng tại Việt Nam là bạn có cần thực hiện các thao tác gì để bật chế độ Roaming khi ở nước ngoài không vì một khi rời khỏi Việt Nam bạn khó (tuy vẫn có cách) để kích hoạt nó. Như mình xài Vinaphone trả trước thì phải gửi tin nhắn trước khi rời khỏi Việt Nam và tài khoản phải có trên 100.000 đồng. Quá đơn giản phải không? Như Vinaphone còn cẩn thận hơn, khi nhận được tin nhắn họ sẽ thông báo kết quả ngay nếu thành công các dịch vụ tốn tiền như chuyển hướng cuộc gọi, dịch vụ dữ liệu tự động được vô hiệu hóa tránh bị phát sinh cước (cực kỳ cắt cổ). Còn Mobifone và Viettel hình như tự động luôn nhưng cẩn thận tắt dịch vụ 3G trước nhé.
Bạn chỉ cần để ý tránh nhắn tin hay gọi điện khi không thật cần thiết thì gần như miễn phí nếu không có tình huống cần thiết thì lúc đó có lẽ bạn sẵn sàng chi nhiều hơn nữa để có thể giải quyết vấn đề đó chứ. Mình đã gặp một tình huống rất may mắn khi lần đầu mình đi du lịch nước ngoài. Lần đó hai anh trong đoàn bị lạc trong sân bay mà đoàn cũng không hay biết do khá đông. Lúc đó điện thoại mình có bật Roaming và một anh trong nhóm bị lạc cũng có Roaming đã nhắn tin mình thông báo rằng họ bị lạc. Đến lúc đó cả đoàn mới biết rồi liên lạc tìm được họ. Vì mới xuống sân bay dĩ nhiên là chưa kịp mua SIM của Thái Lan để gắn vô rồi còn thông báo số điện thoại nữa. Từ lần đó mình rất cẩn thận kiểm tra lại việc Roaming trước khi rời khỏi Việt Nam để phòng người bất trắc. Rồi một anh đồng nghiệp đi Nhật 6 tháng nhưng không cần phải nhờ người nhà giữ “sóng” SIM dùng vì thời hạn khóa của SIM là 60 ngày không hoạt động ở Nhật ảnh vẫn giữ SIM đó xài khi cần thiết, nghe nói Nhật rất khắt khe chuyện bán SIM di động (ai xác nhận dùm mình). Dĩ nhiên còn một số trường hợp không tương thích công nghệ hay tần số nữa, nhưng chỉ cần tìm hiểu trước là được :). Mình không phải là fan cuồng Apple nhưng em 5C của mình hỗ trợ cả CDMA và GSM/3G/LTE nên khá là dễ dàng khi chuyển đến các nước dùng các tần số và công nghệ khác.
Vói mình thì điện thoại không còn chưa đủ, còn phải có Internet để… sống ảo nữa. Haha nói vậy thôi chứ còn dùng cho nhiều việc khác, thỉnh thoảng cũng có việc cần giải quyết. Nên với mình SIM nước ngoài thì cũng phải mua nhưng chỉ để dùng để lên Internet thôi chứ không cần thiết cho điện thoại. Mình cũng chỉ mới đi vài nước thôi nhưng cũng nhận thấy rằng ở các nước thì SIM bán phổ thông chủ yếu ở cỡ Mini-SIM tức là kích cỡ chuẩn từ thời Nokia đập đá ấy (còn có Micro-SIM dành cho iPhone 4 và Android phổ biến hay Nano-SIM cho iPhone 5 về sau). Do đó, bạn không dễ tìm thấy kích thước phù hợp với chiếc điện thoại của mình. Ở Singapore thì rất tốt SIM có thể “bẻ” ra từ Mini thành Micro hay Nano, những nước khác thì chỉ bẻ thành Micro hoặc thậm chí bạn chỉ tìm được Mini-SIM trong các cửa hàng tiện lợi. Em 5C của mình xài Nano-SIM… nhưng cái quan trọng là SIM ghép nên rất rắc rối mối lần đổi SIM vì miếng ghép SIM rất mỏng rách như chơi nên mình cũng ngại tháo ra. Do đó giải pháp tốt nhất với mình là xài 3G Wifi tức là hộp bắt sóng 3G và phát sóng ra Wifi có thể xài cho điện thoại hay laptop và chia sẻ với bạn bè trong nhóm đi thay vì chỉ một người xài hay phát Wifi bằng điện thoại rất tốn pin. Hộp phát sóng này có thể hoạt động liên tục đến 8 tiếng, nếu có pin dự phòng thì xài mấy ngày cũng được. Thế là giải quyết được cả vấn đền liên lạc (số điện thoại cũ) và Internet khi ở nước ngoài, lại giảm được chi phí khi đi nhóm nhiều người. Vả lại mình không biết các nhà mạng ở Việt Nam có tính gian không mà mình xài gói Max 600MB tốc độ cao mà chỉ 6-7 ngày là hết dung lượng trong khi lần nào mình ở nước ngoài xài cả nhóm 3-4 người mà cả tuần chưa hết dung lượng 1GB?!
Nói chứ cái gì cũng có nhược điểm, hộp phát Wifi của mình không hỗ trợ gửi SMS hay USSD do đó một số trường hợp nhà mạng nước ngoài cần làm thủ tục đăng ký gói đối với SIM không dành cho du khách hay các gói cước khác hấp dẫn hơn thì mình cần dùng một điện thoại khác (do 5C của mình không thể đổi SIM chẳng hạn). Mình thường mang theo điện thoại cũ để gắn SIM vào cấu hình, kiểm tra thử xem Internet có hoạt động không? Như lần mình đi Tây Ban Nha cần cấu hình APN bằng tay do nhà mạng này là nhà mạng ảo tức sử dụng hạ tầng phát sóng của nhà mạng khác. Còn có một khách sạn khi mình ở Madrid thì không có Wifi nhưng có Internet có dây, nếu ở khách sạn thì không cần mở hộp 3G để sạc pin và tiết kiệm dung lượng, may sao lúc đó có mang dock và dây LAN để nối và dùng hộp này để phát LAN ra Wifi luôn. Nói chung hành trang khi đi nước ngoài của mình bao gồm: Điện thoại chính (giữ SIM số ở Việt Nam), hộp phát Wifi 3G và điện thoại cũ vừa đủ hỗ trợ 3G (không cần nếu điện thoại chính của bạn xài Mini-SIM bình thường). Vừa rồi đi Campuchia cũng có lúc cần dùng đến nó khi em 5C bị rớt xuống biển không lên được nữa, mình gắn lại SIM chính vào điện thoại để giữ liên lạc với gia đình vì mình luôn nhắn tin mỗi ngày cho gia đình để nhà yên tâm, lỡ không nhắn được chắc nhà lo lắm. Trước khi đi thì tìm hiểu tần số điện thoại, các nhà mạng nước ngoài, gói cước nào có lợi nhất… Haha dĩ nhiên bạn nên lưu các số liên lạc cần thiết như Đại sứ quán Việt Nam, số khẩn cấp của Viettel dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, khách sạn, bạn bè ở nước định đến…
Chi phí điện thoại (do Roaming): Gọi đi 12.000-24.000 đồng/phút tùy nước; nhận cuộc gọi 12.000-20.000 đồng/phút cũng tùy nước nhưng nói chung chỉ dùng khi cần thiết; nhắn tin 7.000-10.000 đồng/tin nói chung thì các con số trên chỉ mang tính tương đối để bạn biết chi phí mà cân nhắc còn mình thường tốn khoảng 50.000 đồng cho mỗi chuyến đi.
Chi phí SIM Internet nước ngoài: 100.000-300.000 đồng cho gói dung lượng 2-3GB tùy nước thời hạn từ 1-30 ngày, vậy thì 3G ở Việt Nam tính ra khá rẻ =)) nhưng chất lượng quá tệ .__.